Dù BTC cam kết sẽ áp dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp tăng giá khống trước khi giảm giá, nhưng có vẻ như OnlineFriday.vn năm nay vẫn để lọt không ít hạt sạn.
Trước đó, Ngày Mua sắm Trực tuyến VN 2015 được quảng cáo là có tới 60.000 mặt hàng giảm giá với mức giảm phổ biến từ 5-50%, cá biệt có những sản phẩm, dịch vụ được đại hạ giá tới 70-80%.
Tuy nhiên, khi người dùng truy cập vào trang thì hầu hết chỉ bắt gặp mức khuyến mại 5-20%. Các sản phẩm với mức giảm sốc, khủng thường được dán nhãn “Đã hết hạn” nên không thể mua được.
Vấn đề khiến người dùng bức xúc nhất chính là tình trạng tái diễn của các khuyến mại ảo, khi nhiều doanh nghiệp đưa ra giá gốc “trên trời” chỉ để tạo cho người dùng cảm giác là mức giá mới, niêm yết trên website là rất rẻ.
Trường hợp điển hình nhất đã được nhiều người dùng chia sẻ trên Facebook ngay từ sáng nay, khi Lazada.vn để giá gốc của iPhone 6S 16GB màu vàng hồng lên tới 36,6 triệu đồng. Mức giá niêm yết 16.089.000 đồng được trang này quảng cáo là đã giảm tới 52%. Sở dĩ mẩu rao bán này gây sốc, là vì iPhone 6S 16GB hàng chính hãng đang được phân phối qua hệ thống của FPT Shop cũng chỉ có 18.899.000 đồng.
“Đố tìm ở khắp VN này nơi nào bán iPhone 6S 16GB giá 36 triệu đấy?”, một người dùng ngao ngán bình luận. Mức giá giảm một nửa mà Lazada.vn đưa ra thực chất chỉ tương đương với giá bán mà các cửa hàng xách tay đang áp dụng cho sản phẩm này mà thôi. Nói cách khác, người dùng có thể mua đâu cũng được.
Tương tự, một dòng smartphone cao cấp khác là Samsung Galaxy S6 32GB cũng được trang này để giá gốc 14.490.000 đồng. Sau khi giảm 35%, giá “khuyến mại” được đề là 9.490.000 đồng. Tuy nhiên, công cụ so sánh giá được nhúng ngay trên trang OnlineFriday đã “tố cáo” sự ảo của Lazada, khi giá thị trường rẻ nhất chỉ có 6.842.000 đồng mà thôi.
Một sản phẩm khác là chiếc máy tính xách tay Apple MacBook Pro 2015 13.3 MF841ZP/A – X Lion đang được trang Amazona.vn niêm yết với giá 39.637.000 đồng, “giảm” 18% so với “giá gốc” 47.756.000 đồng. Nhưng ngay bên cạnh, giá thị trường đề rõ chỉ có 38.893.000 đồng, rẻ hơn cả giá đã giảm.
Những trường hợp tương tự có thể dễ dàng bắt gặp ở nhiều nhà bán lẻ khác trên trang web OnlineFriday. Rõ ràng, BTC cần phải nỗ lực nhiều hơn trong việc kiểm soát giá bán và khuyến mại của các đơn vị tham gia, nếu như không muốn người dùng đánh mất niềm tin vào một hoạt động quy mô quốc gia như thế này.
Chất lượng cũng bị đặt dấu hỏi
Mặc dù vậy, giá ảo không phải là vấn đề duy nhất khiến người dùng bức xúc ở sự kiện Ngày mua sắm VN năm nay. Trên Facebook, một số người dùng đã chụp được màn hình trang Sendo.vn công khai quảng cáo sản phẩm nước hoa “fake”.
Đến đầu giờ chiều, thông tin “fake” dường như đã được nhà bán lẻ này “rút kinh nghiệm” nên không còn hiện diện trên giao diện nữa. Tuy vậy, bất cứ ai sành về mỹ phẩm và nước hoa, nếu nhìn vào mức giá được niêm yết tại Sendo.vn cũng sẽ phải đặt dấu hỏi. Rất nhiều loại nước hoa của các thương hiệu cao cấp, đắt tiền như Chanel, Lancome, Diror được niêm yết với giá 179.000 đồng, so với giá gốc hơn 500.000 đồng. Trong khi đó, giá bán thực tế của những sản phẩm này, kể cả ở các cửa hàng miễn thuế cho dung lượng nhỏ nhất (30ml) cũng đã cỡ 60-70 USD và lên tới 90-120 USD cho dung lượng 100ml.
Sự chênh lệch quá lớn này khiến cho không ít chị em đã phải chùn tay, không dám mua vì sợ mua phải nước hoa “nhái”, tiền mất tật mang.
“Cứ nghĩ một chương trình mua sắm do Bộ Công Thương tổ chức thì chất lượng sản phẩm phải đảm bảo. Giảm giá không cần quá nhiều nhưng ít nhất khâu chất lượng phải cam kết, nhưng thế này thì tôi cũng không dám mua”, chị Hương (nhân viên văn phòng khu Mỹ Đình, HN) cho biết.
Ngay cả thông tin mô tả về sản phẩm, dịch vụ trên website cũng khá nghèo nàn. Nhiều deal dành cho quán ăn không nêu rõ địa điểm quán, buộc người dùng phải truy cập vào tận site gốc mới biết hóa ra quán ăn đó ở địa phương khác.
Với trường hợp các sản phẩm nước hoa gây hoài nghi về nguồn gốc nói trên, thông tin về dung tích, nhà sản xuất, nguồn gốc… tuyệt nhiên không có, ngoại trừ tên và địa chỉ cửa hàng bán !?!
Chị Phương (Tây Hồ, HN) thì than thở, đã ưng một sản phẩm điện tử gia dụng nhưng khi gọi đến số điện thoại liên hệ, chị được thông báo giá đó chưa gồm phí vận chuyển. Nếu cộng thêm phí đó thì giá bán cũng ngấp nghé giá gốc và chẳng rẻ hơn so với mua trên phố.
Không thể phủ nhận, sự kiện năm nay đã được truyền thông rầm rộ và được nhiều người dân biết đến hơn. Sau cơn sốt mua sắm trực tuyến ở các nước phương Tây thì phong trào OnlineFriday cũng đã lan rộng tại VN nhờ sự tiện lợi của thanh toán trực tuyến. Tuy nhiên, việc BTC chưa thể kiểm soát hữu hiệu việc khuyến mại ảo như hứa hẹn, cùng với khâu kiểm soát chất lượng sản phẩm tham gia chưa chặt khiến cho người dùng phần nào thất vọng. Những khiếm khuyết này cần được rút kinh nghiệm nghiêm túc cho những lần tổ chức tiếp sau, nếu như những người thực hiện thực sự muốn phát triển thương mại điện tử tại VN.